Tổng quan thị trường:
Thị trường chứng khoán trong nước khép lại quý 3 dưới ngưỡng tâm lý 1.200 điểm khi giảm liền một mạch 5 tuần liên tiếp, để mất 24,4% kể từ đầu năm. VN-Index lao dốc ngay phiên giao dịch đầu tuần với mức giảm gần 29 điểm trên hầu hết các nhóm ngành cùng hiện sắc đỏ. Đà giảm tiếp tục được nối dài sau đó với biên độ điều chỉnh tương đối mạnh, tâm lý giao dịch nhà đầu tư bị ảnh hưởng lớn một phần bởi tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới. Trong phiên giao dịch cuối tuần, một vài tín hiệu khả quan đã xuất hiện khi thị trường có sự hồi phục đáng kể bởi hỗ trợ từ lực cầu bắt đáy tại vùng giá có chiết khấu cao, kéo chỉ số đóng cửa trong sắc xanh mặc dù trước đó sắc đỏ đã bao trùm hầu hết thời gian giao dịch. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 71.17 điểm, xuống mức 1,132.11 điểm. Thanh khoản gia tăng đáng kể bởi áp lực bán tháo với khối lượng khớp lệnh trung bình sàn HOSE đạt hơn 528 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 16.95% so với tuần giao dịch trước.
Nhóm Vn30 diễn biến đồng thuận với thị trường chung khi cũng có tuần giảm điểm rất tiêu cực, chỉ số mở “Gap” tuần với mức giảm 63.4 điểm đóng cửa tại mức 1152.01 điểm. Về mức độ ảnh hưởng bộ đôi VIC và VHM có tác động tiêu cực nhất đến thị trường trong tuần qua khi lấy đi hơn 14 điểm của VN-Index, tiếp theo đó là các mã như MSN, VCB, GVR, VNM,… Trong khi ở chiều ngược lại, chỉ số thiếu đi lực đỡ từ các cổ phiếu nhóm trụ.
Chiến lược giao dịch:
VN-Index giảm mạnh hơn 71 điểm trong tuần cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang rất bi quan trước lo ngại về một thời kỳ suy giảm kéo dài khi Ngân hàng Nhà Nước lần đầu tiên có động thái tăng lãi suất điều hành sau 11 năm, dù tín hiệu hồi phục kỹ thuật có xuất hiện vào phiên cuối tuần nhưng không tạo ra tác động tích cực đến xu hướng chung. Kể từ mức đỉnh đầu tháng 8, chỉ số Vn-Index đã giảm 195,5 điểm, tức sụt 15,1%, tương đương nhịp giảm trong tháng 5 vừa qua và lớn hơn so với nhịp giảm ở tháng 6 (-12,75%). Chuỗi giảm 5 tuần liên tiếp khiến chỉ số Vn-Index đang ở mức thấp nhất kể từ đầu năm đã khiến các chỉ báo kỹ thuật đi vào vùng quá bán. Ở khung tháng, VN-Index khả năng đã tạo vùng đáy kỹ thuật ở vùng hỗ trợ MA50 quanh ngưỡng 1.093 điểm trong vòng 2 năm qua, bên cạnh đó trên khung tuần đây cũng là khu vực góp mặt của Fibonacci 50% và đường MA200 ở ngưỡng 1.107 điểm. Do vậy với kịch bản lạc quan chỉ số VN-Index có thể tạo vùng cân bằng và phục hồi kỹ thuật trở lại hướng tới kháng cự 1.155 – 1.165 điểm, khi các thông tin xấu đã dần được “thẩm thấu” vào tâm lý nhà đầu tư sau hai tuần liên tiếp giảm mạnh, đồng thời khi giá cổ phiếu dần được chiết khấu về mức định giá thấp hơn, lực cầu bắt đáy sẽ được gia tăng tạo động lực cho nhịp hồi phục trong ngắn hạn. Xu hướng giảm của VN-Index vẫn đang được duy trì với thanh khoản có sự gia tăng bởi áp lực bán tháo sau những đợt sụt giảm mạnh. Phiên chốt NAV cuối tuần trước có thể giải tỏa áp lực đối với tâm lý nhà đầu tư sau chuỗi 5 tuần giảm liên tiếp, một phiên tăng điểm chưa thể làm thay đổi xu hướng giảm của thị trường hiện tại tuy nhiên chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng thị trường đang ở đoạn cuối của nhịp điều chỉnh bởi các chỉ số đã về vùng quá bán và khả năng đà giảm sẽ suy yếu khi thị trường tìm được vùng cân bằng mới. Theo quan điểm của chúng tôi, nhà đầu tư nên bắt đầu quan tâm đến cổ phiếu cụ thể trong bối cảnh các tín hiệu đang củng cố cho vùng đáy kỹ thuật hình thành. Trên cơ sở đó, có thể xem xét cơ cấu lại danh mục với ưu tiên giải ngân thăm dò các mã đã điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh, dự báo Kết quả kinh doanh Quý 3 tiếp tục khả quan. Tuy nhiên, thị trường hiện tại chỉ nên trading với tỷ trọng cổ phiếu vừa phải, cắt bỏ các cổ phiếu yếu, đối với các cổ phiếu có tín hiệu của dòng tiền quan tâm có thể trading để giảm giá vốn.
Đồ thị kỹ thuật Vn-Index khung thời gian ngày
Đồ thị kỹ thuật Vn-Index khung thời gian tuần
Đồ thị kỹ thuật Vn30- Index khung thời gian ngày
Đồ thị kỹ thuật Vn30- Index khung thời gian tuần
Cổ phiếu lưu ý:
Bên cạnh nhóm đầu tư công là nhóm ngành chủ đạo chúng tôi tập trung theo dõi trong tình hình hiện tại, chúng tôi duy trì quan sát một số ngành có tính phòng thủ cao như: Sản xuất và phân phối điện, Bán lẻ, thực phẩm, Xây dựng, …Ngoài ra một số ngành hút được dòng tiền và có thể xem xét giải ngân tại các vùng hỗ trợ thấp như: Thép, hóa chất, dầu khí… cũng nên được cân nhắc.