Theo số liệu của KPMG Việt Nam, trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm 2019 – trước dịch COVID-19.
Bất chấp đại dịch khó lường, quy mô giá trị thị trường M&A (mua bán và sáp nhập) Việt Nam vẫn đạt 8,8 tỷ USD trong 10 tháng năm 2021, tăng 18% so với năm 2020.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh sự tăng trưởng mạnh cả về giá trị và số thương vụ M&A tại Việt Nam bất chấp bối cảnh đại dịch COVID-19 cho thấy thị trường M&A Việt Nam vẫn là một thị trường hấp dẫn, và các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước vẫn đặt niềm tin vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh cũng như các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ.
Phát triển mạnh mẽ
Trong hơn một thập kỷ qua, M&A đã trở thành một kênh huy động vốn hiệu quả, góp phần đa dạng hóa các kênh thu hút vốn cho nền kinh tế Việt Nam, thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Cũng trong thời gian đó, thị trường M&A Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ với hàng nghìn thương vụ được thực hiện thành công, đạt tổng giá trị hơn 50 tỷ USD. Năm 2021, mặc dù chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm cả dòng vốn đầu tư thông qua M&A, vẫn có sự tăng trưởng.
Tính đến cuối tháng 11/2021, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 4,4 tỷ USD.
Theo số liệu của KPMG Việt Nam (công ty cung cấp dich vụ chuyên nghiệp tại Việt Nam), trong 10 tháng năm 2021, thị trường M&A đã thu hút hơn 8,8 tỷ USD, tăng 17,9% so với năm 2020 và 13,7% so với năm trước dịch, năm 2019.
Đi cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường M&A tại Việt Nam thể hiện sự ổn định cao, thậm chí tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Việt Nam cũng đã và đang có nhiều nỗ lực để vượt qua những thách thức và nắm bắt những cơ hội để trở thành điểm dừng chân của làn sóng đầu tư mới của khu vực khi có xu hướng tái chuyển dịch dòng vốn toàn cầu.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng bước sang năm 2022, mặc dù vẫn có những rủi ro nhất định trong bối cảnh COVID-19 và tác động của nó đến kinh tế vĩ mô, thị trường Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng trưởng tốt với nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước.
Trong tương lai, M&A sẽ tạo ra nhiều tập đoàn của Việt Nam với quy mô có thể sánh ngang với các tập đoàn lớn trong khu vực. Trong thời kỳ COVID-19, người mua trong nước có những lợi thế nhất định trong việc thực hiện các thương vụ M&A.
Ông Warrick Cleine, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc KPMG Việt Nam và Campuchia cho biết môi trường M&A Việt Nam khá thú vị và hấp dẫn. Các thương vụ M&A đang rất được quan tâm, với những thương vụ có giá trị lên tới hàng trăm triệu USD. M&A đã trở thành một phần quan trọng trong bức tranh kinh tế Việt Nam.
“Nhiều quốc gia Bắc Á tin tưởng vào tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam, đó là tín hiệu rất tốt. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức với các tập đoàn, doanh nghiệp M&A, đó là tạo ra giá trị cho các doanh nghiệp mà họ mua. M&A đang trở thành lựa chọn quan trọng của các doanh nghiệp,” ông Warrick Cleine nhấn mạnh.
Không ngừng hoàn thiện hành lang pháp lý
Năm 2022 tới đây sẽ là năm có ý nghĩa rất quan trọng, tập trung phục hồi nhanh nền kinh tế, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Thách thức, khó khăn còn rất lớn khi đại dịch COVID-19 có thể diễn biến phức tạp hơn, với các biến chủng mới vừa xuất hiện; kinh tế thế giới được dự báo hồi phục chưa vững chắc, không đồng đều, rủi ro và bất ổn tiếp tục gia tăng…
Bối cảnh đó đòi hỏi Việt Nam phải chủ động đưa ra đường hướng chiến lược và các giải pháp quyết liệt để khắc phục khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đưa nền kinh tế sớm bước vào quỹ đạo hồi phục vững chắc.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2022-2023.” Đây là một chương trình tổng thể, có quy mô đủ lớn, hỗ trợ cả về phía cung và phía cầu, thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn kết chặt chẽ với Chiến lược Phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, các kế hoạch đầu tư công, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…
Cùng với đó, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết mới đây, “Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025” cũng đã được Quốc hội thông qua, với nhiều điểm đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy mạnh mẽ việc cơ cấu lại không gian kinh tế, cơ cấu lại các ngành, cơ cấu lại đầu tư công, các tổ chức tín dụng, cơ cấu lại các doanh nghiệp nghiệp nhà nước… Đây cũng sẽ là một động lực quan trọng để thu hút các nguồn lực cả trong và ngoài nước cho kinh tế phục hồi và tăng tốc.
Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, như Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA)… mà Việt Nam tích cực tham gia được kỳ vọng tạo ra một khu vực thương mại tự do mới có quy mô lớn, tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu, tạo nền tảng, thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tái cấu trúc… Điều này không chỉ giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại, mà còn góp phần dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có đầu tư thông qua các hoạt động M&A vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng không ngừng được hoàn thiện. Sau khi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP) chính thức có hiệu lực vào đầu năm 2021, mới đây, Chính phủ cũng đã xây dựng và chuẩn bị trình Quốc hội xem xét dự án một luật sửa nhiều luật, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
[Công ty Mỹ: Lĩnh vực tăng trưởng cao tại Việt Nam hút giới đầu tư]
Ở góc độ doanh nghiệp, sau hai năm đối mặt không ít khó khăn do tác động của dịch bệnh, cộng đồng kinh doanh đã rất nỗ lực tìm kiếm mô hình tăng trưởng mới hoặc cơ cấu lại để thích nghi với bối cảnh biến động nhanh với xung lực từ các nguồn vốn rẻ, chính sách hỗ trợ, phục hồi kinh tế mà Chính phủ ban hành.
“Dù còn nhiều khó khăn, thách thức đón chờ trước mắt, nhưng hoạt động M&A sẽ bùng nổ trong năm 2022 và những năm tiếp theo,” Thứ trưởng Trần Quốc Phương tin tưởng.
Dự báo cho thị trường M&A năm 2022, bà Võ Hà Duyên, Chủ tịch Công ty Luật VILAF cho biết năm 2022 sẽ là năm tiềm năng bật lại mạnh mẽ cho Việt Nam. Đầu tiên, nhà đầu tư Việt Nam cũng như các doanh nghiệp, nhà làm chính sách đã có khả năng phản ứng rất tích cực để vượt qua và quay trở lại sau đại dịch.
Một góc thành phố Hà Nội. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Bên cạnh đó, về pháp lý, môi trường sẽ tốt hơn cho nhà đầu tư. Có 2 nội dung quan trọng là các FTA sẽ có hiệu lực tới đây và các thỏa thuận về hợp tác giữa Việt Nam và các quốc gia láng giềng sẽ có hiệu lực từ tháng 1/2022 sẽ thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, tinh gọn hải quan, cải thiện khả năng tiếp cận thị trường.
“Các yếu tố này sẽ giúp cải thiện khả năng tiếp cận thị trường Việt Nam đối với các đối tác nước ngoài,” bà Võ Hà Duyên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Lê Khánh Lâm, Chủ tịch Công ty RSM Việt Nam, cho rằng với các thương vụ nhỏ, một số nhà đầu tư muốn hoàn thành càng nhanh càng tốt, nhưng với các thương vụ lớn thì họ cẩn trọng hơn vì không thể đến thăm trực tiếp công ty, ban lãnh đạo. Trước khi đưa ra quyết định với thương vụ lớn, cần nhìn nhận và cảm nhận rất nhiều các thông tin khác.
Ông Angus Liew, Tổng Giám đốc Công ty Gamuda Land (HCMC), cho rằng nên duy trì khả năng cạnh tranh càng cao càng tốt, bản thân công ty phải xây dựng năng lực. Môi trường M&A sẽ rất cạnh tranh tại Việt Nam.