Dự án Gạo Kiến Quốc của Công ty CP ĐT Hải Âu Việt đã xuất sắc vượt qua hàng trăm hồ sơ để trở thành 1 trong 5 đơn vị tham gia vòng Pitching của Doanh nhân Phượng Hoàng. Với nỗ lực làm gạo theo hướng mới, khát vọng xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam chất lượng, doanh nghiệp Hải Âu Việt đang từng bước hiện thực hóa ước mơ được làm giàu từ chính hạt gạo quê hương, nâng cao chất lượng cuộc sống người trồng lúa và đưa thương hiệu gạo Việt Nam lớn mạnh vươn tầm thế giới.
Để hiểu hơn về câu chuyện làm gạo của Hải Âu Việt, hãy cùng Doanh nhân Phượng Hoàng trò chuyện với anh Trần Văn Trung – GĐ công ty để hiểu hơn về mô hình canh tác độc đáo này.
Vì sao anh lựa chọn khởi nghiệp với lĩnh vực nông nghiệp? Và cụ thể là làm gạo mà không phải là một sản phẩm khác?
Khi mới thành lập công ty, tôi cũng mất nhiều thời gian để tìm ra một con đường riêng và phù hợp với hướng đi của mình. Tôi chọn nông nghiệp vì nghĩ về thế mạnh của Việt Nam chúng ta. Trong những năm trước khi khởi nghiệp, tôi từng là thuyền trưởng và có chở nhiều chuyến hàng trong đó có gạo Việt Nam đi nhiều nước nhưng có điều lạ là gạo toàn đóng bao trắng không gắn một tên tuổi nào khẳng định thương hiệu gạo từ mảnh đất hình chữ S. Và từ đó, tôi luôn ấp ủ một giấc mơ sau này sẽ làm được điều gì đó thật ý nghĩa cho hạt gạo quê hương. Tôi cũng chọn gạo mà không phải là sản phẩm khác vì Hạt Gạo với tôi nó không chỉ là một thực phẩm thông thường mà còn mang đầy cảm xúc về văn hoá – con người.
Anh có thể chia sẻ về những khó khăn trong quá trình khởi nghiệp với mô hình gạo ruộng rươi? Và anh đã vượt qua những khó khăn đó như thế nào?
Trước khi có mô hình lúa rươi như ngày nay, tôi từng nhận được một cuộc điện thoại có thể coi là cần giải cứu 60 tấn lúa trồng ở đầm rươi. Mặc dù coi là sạch nhưng cũng không bán được với lý do gạo ăn rất khô và cứng, không phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Với tình trạng đó, người dân phải bán với giá 5000đ/kg cho gia súc ăn. Đây thật sự là một điều rất đáng tiếc. Trước đây, bà con nông dân cũng chỉ nghĩ theo cách đơn giản là trồng thêm lúa trên ruộng rươi để tránh lãng phí đất chứ không có mục đích tạo nhiều giá trị kinh tế từ cây lúa trên cánh đồng rươi vì mọi người chưa thấy được những tiềm năng có thể khai thác hết theo mô hình này. Để có thể thay đổi được cách nghĩ đó cũng là một điều khó khăn. Vậy nên khi tôi bắt tay vào làm, bài toán đặt ra là làm sao thuyết phục họ đồng hành cùng mình, dám chấp nhận thử thách với những giống lúa mới.
Bản thân công ty chúng tôi cũng phải chịu áp lực rất lớn là làm sao cho bà con có lợi nhuận, các bên khi tham gia mô hình kết hợp này đều phải có được lợi ích. Trong khi đó, giống lúa mới cũng là khảo nghiệm chưa biết hiệu quả thế nào. Chất lượng sản phẩm sau thu hoạch có đáp ứng được những yêu cầu của thị trường và người tiêu dùng hay không. Và còn rất nhiều khó khăn khác…
Tuy nhiên, sau nhiều lần thuyết phục, chúng tôi cũng có được “cái gật đầu” của các hộ nông dân. Và sau vụ lúa đầu tiên, cảm xúc vỡ oà khi có được những hạt gạo chất lượng cao, được khách hàng chấp nhận. Chúng tôi thực hiện được cam kết với bà con. Dân được mùa được giá, khách hàng có sản phẩm gạo vừa sạch vừa ngon với một mô hình “ Lúa Rươi” đặc biệt hiếm có.
Xin anh cho biết đâu là điều kiện tiên quyết để anh lựa chọn Kiến Thụy – Hải phòng là nơi áp dụng mô hình canh tác hữu cơ lúa rươi? Việc canh tác tại đây có lợi thế và khó khăn gì so với những khu vực khác?
Điều đầu tiên khiến tôi quyết định lựa chọn Kiến Thuỵ – Hải Phòng đó là điều kiện thổ nhưỡng nơi đây với hệ sinh thái đặc biệt hiếm có. Môi trường vẫn còn giữ được sự trong lành tự nhiên với con rươi là minh chứng sống, bởi loài sinh vật được mệnh danh là lộc trời này từ xưa vốn chỉ sinh sống ở môi trường sạch. Ở cánh đồng lúa rươi, những gốc lúa có thể coi là những ngôi nhà để loài sinh vật này sinh sôi phát triển đông đúc, hơn nữa nước nợ và phù sa tự nhiên của vùng cửa sông, cửa biển giúp bổ sung thêm sự đậm đà của hạt gạo có được.
Lợi thế thứ hai của việc canh tác trên vùng đất này là không mất thời gian cải tạo chuyển đổi từ canh tác thông thường sang hữu cơ. Không phải lo người dân dùng thêm thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học để tăng năng suất cây lúa vì vốn dĩ với những người dân nơi đây thì con rươi vẫn đang là nguồn thu nhập chính nên việc chủ động bảo vệ môi trường sống của rươi là điều tất yếu.
Trên cơ sở những điều kiện tự nhiên thuận lợi, việc đưa thêm cây lúa chất lượng cao vào là giải pháp tăng thêm giá trị trên cùng một thửa ruộng và tạo ra lợi nhuận kép cho bà con. Cùng với đó, là rất nhiều giá trị cho cộng đồng như hệ sinh thái môi trường thêm trong lành, sản phẩm tuyệt đối an toàn đạt chuẩn hữu cơ với chất lượng tốt và giá thành cao. Sản lượng của lúa vẫn đạt mà sản lượng rươi cũng tăng so với không trồng lúa trên 30%, Song để có được những thành quả đó thì chúng tôi đã phải mất gần 5 năm để tìm ra giống lúa phù hợp, vừa đáp ứng được những biến đổi của khí hậu thổ nhưỡng, có thể sinh trưởng cùng với con rươi ở môi trường nước nợ vừa phải là giống lúa chất lượng cao đáp ứng được những yêu cầu của thị trường mục tiêu.
Khó khăn thứ hai, đó là để đảm bảo điều kiện sống cho con rươi, lúa không được can thiệp bất cứ thành phần hoá học nào kể cả khi lúa bị nhiễm bệnh. Mặt khác, do tính chất đầm rươi luôn phải giữ nước, và ruộng bị ngập lún không thể sử dụng máy móc khi cấy gặt nên vào mỗi mùa cấy gặt, chúng tôi bị thiếu nhân công và chưa tối ưu được giá thành.
Ngoài ra, việc canh tác lúa trên ruộng rươi cũng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Điển hình là có nhiều vụ canh tác, việc xâm lấn của nước mặn khiến cây lúa không sinh trưởng được.
Như anh vừa chia sẻ, để đảm bảo điều kiện sống cho con rươi, mô hình này không được can thiệp bất cứ thành phần hoá học nào kể cả khi bị nhiễm bệnh. Vậy việc chăm sóc và phòng ngừa sâu bệnh trên cây lúa được thực hiện như thế nào?
Hiện tại, diện tích canh tác lúa rươi đa phần được cách biệt với khu sản xuất lúa thông thường nên có lợi thế tốt trong việc phòng tránh các loại sâu bệnh thường gặp trên lúa. Cùng với đó, chúng tôi cũng chủ động cấy thưa để giảm thiểu sự ảnh hưởng của sâu bệnh. Và cũng rất may mắn cho chúng tôi là với mô hình lúa rươi Kiến Quốc thì chưa bao giờ phải phun thuốc phòng trừ sâu bệnh, lúa hầu như không bị sâu bệnh tấn công làm ảnh hưởng đến quá trình canh tác.
Anh có thể chia sẻ về tình hình sản xuất hiện nay của công ty? Về diện tích canh tác, sản lượng canh tác?
Hiện nay, Công ty chúng tôi đang triển khai trên 150 ha mô hình lúa rươi, với một năm trung bình đạt trên 600 tấn lúa cho ra thương hiệu gạo rươi hữu cơ Kiến Quốc, đáp ứng nhu cầu thị trường gạo hữu cơ cao cấp từ các giống lúa chất lượng như ST24, ST25, Tiến Vua, Lúa Tím Thảo Dược…
Anh có kế hoạch mở rộng diện tích canh tác không? Ngoài Kiến Thụy – Hải Phòng, anh có đang “nhắm” đến địa phương nào khác để áp dụng mô hình này?
Hải Phòng hiện có khoảng 2000 ha đất đang được sử dụng để thu rươi, nên chúng tôi có thể tiếp tục mở rộng diện tích không chỉ riêng vùng Kiến Thuỵ mà còn nhiều huyện khác trên địa bàn tỉnh, Ngoài ra cũng có rất nhiều Hợp tác xã, bà con nông dân ở các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh đã được chúng tôi liên hệ với kế hoạch ứng dụng mô hình này. Nếu được triển khai một cách đồng loạt và tuân thủ nghiêm ngặt quy trình canh tác và ổn định được đầu ra thì đây chắc chắn sẽ là một hướng đi bền vững.
Được biết tại Hải Phòng, ngoài gạo Kiến Quốc thì cũng có một số doanh nghiệp khác triển khai mô hình canh tác lúa ruộng rươi. Vậy theo anh, đâu là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm mang thương hiệu gạo Kiến Quốc trên thị trường?
Gạo Kiến Quốc trồng trên ruộng rươi là nhãn hiệu đầu tiên tại Hải Phòng được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp văn bằng bảo hộ. Chúng tôi cũng tự hào là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 với mô hình Lúa Rươi. Gạo rươi hữu cơ Kiến Quốc cũng là sản phẩm đầu tiên được cấp chứng nhận Ocop 4 sao, là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đặc trưng của Hải Phòng.
Với sản phẩm gạo có chất lượng tốt, đảm bảo tuyệt đối tính hữu cơ chắc chắn sẽ có giá thành cao? Làm thế nào để anh đưa được sản phẩm đến với người tiêu dùng và được đón nhận?
Với doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi, chi phí dành cho marketing cũng còn hạn hẹp. Song với xu hướng lựa chọn các sản phẩm hữu cơ như hiện nay thì tôi tin rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Bên cạnh đó, chúng tôi định vị sản phẩm thuộc dòng cao cấp số 1 thị trường, nhóm khách hàng mà chúng tôi hướng đến là nhóm có thu nhập trung bình khá trở lên. Và để có thể giới thiệu đến khách hàng thì tôi đang tập trung vào các cửa hàng thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, các trung tâm kết nối sản phẩm đặc sản vùng miền, các cửa hàng Ocop, siêu thị,… và đặc biệt là đẩy mạnh tiếp cận các doanh nghiệp có nhu cầu làm quà tặng cho cán bộ nhân viên trong các dịp lễ tết.
Anh có kế hoạch cho việc xuất khẩu gạo mang thương hiệu Kiến Quốc ra thế giới không? Để đạt được mục tiêu đó anh cần thêm những điều kiện và yếu tố gì?
Khi khởi nghiệp, chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng một thương hiệu gạo Việt Nam tự hào giới thiệu ra thế giới. Và cho đến nay, thương hiệu gạo Kiến Quốc vẫn đang từng bước chinh phục ước mơ đó. Mặc dù để đạt được mục tiêu, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có điều quan trọng là tôi cần có một cộng đồng có khát vọng giống tôi!
Theo anh, khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp có phải là một bài toán khó? Anh có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp nhất là trong lĩnh vực này?
Đúng là bài toán khó, khởi nghiệp về lĩnh vực nông nghiệp không hề đơn giản. Cũng đã từng có nhiều người khuyên tôi bỏ nghề, và nếu như không có đam mê với hạt gạo, không yêu thương và chân quý những người nông dân thì có lẽ tôi cũng đã từ bỏ. Nhưng cho đến giờ, tôi vẫn thấy lựa chọn của mình là đúng đắn. Tôi được khách hàng ủng hộ, có khách hàng sử dụng sản phẩm từ khi khởi nghiệp và giờ họ cũng là nhà đầu tư cùng tôi tiếp tục hành trình khát vọng gạo Kiến Quốc. Điều quan trọng là phải kiên trì, lúc khó khăn biết chấp nhận và vượt qua thì tôi tin rằng cho dù bắt đầu với lĩnh vực nào, ngành nghề nào thì các bạn cũng sẽ tìm được những hướng đi đúng đắn.
Cám ơn anh về những chia sẻ! Chúc anh và doanh nghiệp sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa và có những trải nghiệm ý nghĩa khi tham gia Doanh nhân Phượng Hoàng!