Tổng quan thị trường:
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua tuần giảm điểm thứ 6 liên tiếp vàđã mất 30% kể từ đỉnh, nằm trong Top các thị trường có mức giảm mạnh nhất trên thế giới chỉ sau thị trường Nga. Áp lực bán giải chấp càng gia tăng về cuối tuần và diễn ra trên diện rộng khiến tâm lý nhà đầu tư có phần hoảng loạn, một số cổ phiếu có mức giảm xuyên qua cả đáy hồi covid 2020. VN-Index rớt mạnh ngay phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần khi mất gần 46 điểm. Chỉ số tiếp tục giảm điểm trước khi hồi phục vào phiên giữa tuần, tuy nhiên mức độ hồi phục này là không đủ khi ở hai phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index lại tiếp tục giảm lần lượt 29.74 điểm và 38.61 điểm. Tính cho cả tuần, VN-Index giảm tổng cộng 96.2 điểm, xuống còn 1,035.91 điểm. Thanh khoản duy trì đà tăng bởi áp lực bán diễn ra mạnh mẽ với khối lượng khớp lệnh trung bình sàn HOSE đạt hơn 540 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 2.23% so với tuần giao dịch trước.
Nhóm Vn30 cũng có nối dài chuỗi giảm điểm sang tuần thứ 6 liên tiếp, với biên độ giảm hơn 100 điểm lớn nhất trong vòng 20 tuần qua. Chỉ số đóng tuần gần mốc thấp nhất với mức giảm 112.47 điểm đóng cửa tại mức 1039.54. Về mức độ ảnh hưởng các cổ phiếu như VCB, MSN, BID, HPG hay TCB có tác động tiêu cực nhất kéo VN30-Index giảm mạnh trong tuần qua. Ở chiều ngược lại, bộ đôi nhà Vingroup là VIC và VHM là những cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất khi góp gần 9 điểm tăng cho chỉ số này.
Chiến lược giao dịch:
Sau chuỗi giảm 6 tuần liên tiếp và 2 phiên cuối tuần vừa qua có hơn 400 cổ phiếu đóng cửa giảm, hiện chỉ số chưa có dấu hiệu tạo vùng cân bằng trong nhịp giảm vừa qua, các ngưỡng hỗ trợ dễ dàng bị xuyên thủng. Các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục đi vào vùng quá bán, so với với các mức đáy ở các lần giảm trước thì đà giảm của thị trường đợt này có quán tính mạnh hơn. Phần trăm các cổ phiếu có giá nằm trên MA50 đang ở mức thấp nhất kể từ sự kiện biển đông năm 2014, đáy covid và đáy của đợt giảm trong tháng 5 vừa qua. Tín hiệu kỹ thuật tích cực lúc này là việc chỉ số Vn-Index có thể tạo một phân kỳ so với các chỉ báo như RSI và thị trường có thể sẽ sớm hình thành vùng cân bằng. Kết hợp với các chỉ báo kỹ thuật đang ở vùng quá bán, thị trường có thể về ngưỡng hỗ trợ Fibonacci 61,8% ở khu vực 988-1000 điểm. Mặt khác, hàng loạt nhà băng trong nước đã nâng lãi suất tiết kiệm, với lãi suất cao nhất được ghi nhận là 9,1%/năm, mặt bằng lãi suất tăng khiến cho kênh cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, chúng tôi nhận thấy cơ hội đầu tư ngắn hạn rất khó trong bối cảnh hiện tại, nhà đầu tư nên giảm tần suất trading, co gọn danh mục cổ phiếu ở tỷ trọng thấp, nên chờ đợi tín hiệu cân bằng hơn từ thị trường và chỉ tìm cơ hội giải ngân trở lại khi mặt bằng lãi suất đã ổn định, cũng như thị trường tìm được vùng đáy mới. Ngoài ra chúng tôi nhận thấy mặc dù chỉ số Vn-index còn chưa về mức trước đại dịch covid nhưng một số cổ phiếu đã giảm về mức đáy covid, các cổ phiếu này nếu có nền cơ bản, nhà đầu tư có thể xem xét cho cơ hội đầu tư trung và dài hạn.
Đồ thị kỹ thuật Vn-Index khung thời gian ngày
Đồ thị kỹ thuật Vn-Index khung thời gian tuần
Đồ thị kỹ thuật Vn30- Index khung thời gian ngày
Đồ thị kỹ thuật Vn30- Index khung thời gian tuần
Cổ phiếu lưu ý:
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất gia tăng, chúng tôi cho rằng TTCK khó có sự tăng điểm bùng nổ do có ít động lực mạnh mẽ cũng như xu hướng “sóng ngành” là không rõ nét. Thay vào đó thị trường sẽ có sự phân hóa rõ nét hơn, cơ hội sẽ chỉ xuất hiện với từng cổ phiếu, doanh nghiệp cụ thể. Vì vậy nhà đầu tư cần chọn lọc những Doanh nghiệp có tỷ suất sinh lợi vượt trội đủ để bù đắp được các rủi ro. Một số doanh nghiệp có tỷ trọng tiền mặt lớn, ít sử dụng đòn bẩy, cũng có thể được hưởng lợi trong ngắn hạn. Ngoài ra, các doanh nghiệp đầu ngành, tỷ lệ vay nợ thấp nhưng có định giá sụt giảm dưới mức giá trị sổ sách trong điều chỉnh vừa qua cũng là những sự lựa chọn an toàn.